SỞ Y TẾ TỈNH VĨNH PHÚC

BỆNH VIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI VĨNH PHÚC

Hotline: 0964931010

Thứ 4, 04/12/2024 | 19:29  

Tràn lan thuốc giả, hậu quả khôn lường

Hậu quả khôn lường nếu sử dụng thuốc tây giả đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng vấn đề khó nhất hiện nay là người dân không thể phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả.                                                                               thuoc gia

Việc này chỉ có thể trông cậy vào cơ quan chức năng, song thực tế cho thấy dường như việc kiểm soát của cơ quan chức năng cũng không xuể trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng.

Liên tục bắt giữ

Thuốc tây giả - vấn nạn đã được nói tới từ rất lâu không chỉ xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa, mà hiện đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn. Nếu như trước đây các loại thuốc thường bị làm giả là các loại thuốc phổ biến như kháng sinh thì nay không ít loại biệt dược, đặc trị nhập ngoại phải sử dụng theo kê đơn và hướng dẫn chặt chẽ của bác sỹ như thuốc điều trị tim mạch, ung thư, thần kinh… cũng bị làm giả

Liên tiếp thời gian vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến việc kinh doanh thuốc giả tại một số thành phố lớn khiến người tiêu dùng lo ngại.

Trong 2 ngày 4 và 5-8, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh), đã phát hiện, bắt giữ 870 vỉ thuốc các loại không có nguồn gốc xuất xứ. Từ đầu năm đến nay, Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 3 vụ, thu giữ hàng nghìn lọ tân dược các loại nhập lậu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tại TP.HCM, ngày 23-7, tại đường Nguyễn Thanh Tuyền, các trinh sát Đội 7- Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.HCM) phát hiện tạm giữ 50 lọ (mỗi lọ 100 viên) tân dược nhãn hiệu ASMACORT (điều trị các bệnh về mắt) do Công ty dược phẩm 3- 2 sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, DN không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số tân dược trên.

Còn tại Hà Nội, vào cuối tháng 1-2015, cơ quan chức năng đã triệt phá một cơ sở sản xuất thuốc giả, thu giữ hàng trăm lọ thuốc Lumbrotine hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não và Zinc-kid điều trị thiếu kẽm ở trẻ còi xương và phụ nữ mang thai.

Đánh giá về mức độ nguy hại của người bệnh khi sử dụng thuốc giả, bác sỹ Nguyễn Văn Đoàn- Giám đốc Trung tâm miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Sử dụng phải thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

“Khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15- 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ như buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh”, ông Đoàn nói.

Khó phân biệt

Ông Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi, phức tạp nên các cơ quan chức năng khó phát hiện. Các mẫu thuốc giả có nhãn, bao bì đóng gói giống tới 99% mẫu nhãn, bao bì của thuốc thật, không có dấu hiệu rõ ràng nào để phân biệt.

Nhiều bác sỹ, dược sỹ đang công tác tại một số bệnh viện của Hà Nội khi được hỏi về việc phân biệt thuốc thật thuốc giả đều lắc đầu kêu khó. Bác sỹ Hoàng Bùi Hải- Phó trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đại học Y thẳng thắn thừa nhận: Việc phân biệt thuốc thật thuốc giả đối với y, bác sỹ, dược sỹ cũng là khó khăn, chưa nói tới người bệnh.

Về thủ đoạn làm giả thuốc, một đại diện của Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP.Hà Nội cho hay, phương thức phổ biến mà các đối tượng làm giả thuốc thường tiến hành là đặt in các vỏ bao bì giống bao bì của thuốc thật, sau đó đặt một số cơ sở sản xuất dược, sản xuất các thành phẩm bên trong.

Còn Đại tá Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, ngoài cách làm thủ công nêu trên, hiện trong việc làm giả thuốc, các đối tượng tiến hành nhiều biện pháp rất tinh vi để biến thuốc giả thành thuốc NK từ nước ngoài, rồi bán với giá cao.

“Phương thức phổ biến của những đối tượng này là mua tân dược trong nước với giá rẻ, hoặc các loại thuốc hết hạn sử dụng sau đó cho vào chai, lọ của loại tân dược đã qua sử dụng của các hàng dược nổi tiếng nước ngoài; dùng kỹ thuật gia công nhãn mác cho mới, đặt in tờ hướng dẫn sử dụng cho vào hộp, hoặc thay đổi nhãn mác biến thuốc nội thành thuốc ngoại, thuốc châu Á thành thuốc sản xuất từ châu Âu và vô tư bán ra thị trường với giá cao như thuốc NK từ nước ngoài về Việt Nam”, Đại tá Đức thông tin.

Theo ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, trong 2 năm qua đã có khoảng 110 lô thuốc bị đình chỉ lưu hành hoặc buộc phải tái xuất do không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Riêng năm 2014 đã xử lý, thu hồi 41 lô thuốc không đạt chất lượng và 7 trường hợp thuốc giả.

Bàn về biện pháp kiểm soát việc thuốc giả lưu thông trên thị trường hiện nay, ông Cường cho biết, hiện Cục Quản lý dược đang phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm trên thị trường dược phẩm để nâng cao chất lượng của thị trường.

Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng, theo ông Lê Văn Truyền, bên cạnh việc có các chế tài nghiêm khắc xử lý các cơ quan, DN, đơn vị, cá nhân có hành vi sản xuất buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào; các DN dược cũng cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả; cung cấp cho các cơ quan chức năng đầy đủ thông tin về hàng thật, hàng giả, các thông số kỹ thuật, phương tiện để kiểm tra, hỗ trợ giám định... khi có vấn đề phát sinh.

Theo quy định của pháp luật, khi mua phải thuốc giả, người dân có thể gửi đơn tới UBND cấp xã hoặc lực lượng Quản lý thị trường nơi bán thuốc để được giải quyết. Khi đó, người bán hàng giả sẽ bị xử lý phạt theo điều 11 Nghị định 185 ngày 12-11-2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt gấp 2 lần. Hoặc người vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo điều 156 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt đến 15 năm tù). Ngoài ra người mua phải thuốc giả có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Nguồn sưu tầm




Tags:

Bài viết khác

  • Giá thuốc trúng thầu 2022-2023
    Giá thuốc trúng thầu 2022-2023

    Giá thuốc trúng thầu 2022-2023

  • Thận trọng khi sử dụng Codein
    Thận trọng khi sử dụng Codein
    Tháng 2/2013, Cục Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo nguy cơ tử vong ở trẻ em khi sử dụng thuốc codeine để giảm đau sau khi cắt amidan hoặc phẫu thuật VA (Amydal vòm mũi họng)
  • “Ngậm đắng” thuốc ngoại nhập kém chất lượng
    “Ngậm đắng” thuốc ngoại nhập kém chất lượng
    Clavophynamox 1000 là thuốc được nhập khẩu bởi Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 với thành phần hoạt chất là Clavulanic acid Amoxicillin nhưng qua kiểm nghiệm cho thấy không đạt chất
  • Ciprofloxacin - Không nên lạm dụng
    Ciprofloxacin - Không nên lạm dụng
    Ciprofloxacin là  fluoroquinolon (thuộc quinolon thế hệ 2) có phổ kháng khuẩn rất rộng. Vì thế, thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh nhiễm khuẩn: hô hấp, tiết niệu, sinh dục (viêm cổ

© 2024. BVGTVT | Web Design www.cmBliss.com

0964931010